Ông Tổ Nghề Tóc
ÔNG TỔ NGHỀ TÓC
Ông tổ nghề tóc Việt Nam xuất hiện ở thời nào?
Nghề tóc cũng như mọi nghề nghiệp khác, là một lĩnh vực hoạt động mà qua đào tạo, người làm nghề có được những tri thức, những kỷ năng để tạo ra các loại sản phẩm vật chất hay tinh thần, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Điều kiện cần và đủ cho nghề tóc ra đời bao gồm những yếu tố sau:
Sự phát triển của kỹ thuật. Trong nghề tóc đó là kỹ thuật luyện kim với các sản phẩm, dụng cụ làm nghề thô sơ nhất như dao. Các sản phẩm tinh xảo và chuyên dụng khác, cũng xuất phát từ kỹ nghệ luyện kim về sau mới xuất hiện.
Nhu cầu xã hội: Nhu cầu này là của số đông, ở nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội. Giả thuyết các thái giám cắt tóc cho các ông vua, bà chúa trong các triều đại phong kiến, là ông tổ nghề tóc không xem là có cơ sở vì khi đó công việc này chỉ được thực hiện cho một vài người ở phạm vi hẹp, không phải từ nhu cầu xã hội.
Trên cơ sở các yếu tố này, người viết đặt ra các giả thuyết:
Ông tổ nghề tóc Việt Nam là người đầu tiên cắt tóc cho các bà đầm Pháp?
Việc xác định ai là ông tổ nghề tóc VN, hiện đang có nhiều ý kiến tranh cãi. Theo ý kiến của một số nhà tạo mẫu tóc đại diện cho giới làm tóc ở hai miền Nam, Bắc thuộc nhiều thế hệ, mặc dù là tranh cãi chủ yếu xoay quanh vấn đề địa giới, nhưng thống nhất ở một điểm: Ông tổ nghề tóc VN có thể xuất hiện ở thời Pháp thuộc, đầu thế kỷ XX, là người đầu tiên tiếp cận được với những dụng cụ làm tóc chuyên dụng (có nguồn gốc từ Pháp, do các bà đầm Pháp mang sang VN); và được hướng dẫn các kỹ năng làm tóc từ chính những bà đầm này.
Theo đó, nhu cầu làm đẹp cùng váy đầm, tóc ngắn đã lan dần sang các bà vợ của giới quan chức, thơ lại làm việc chon người Pháp. Đây cũng là những khách hàng đầu tiên của người hành nghề làm tóc thời đó tại Việt Nam.
Vậy người Việt ở khu vực nào, Nam Kỳ - với Sài Gòn, Gia Định; Bắc Kỳ - Hà Nội, Hải Phòng; và Trung Kỳ - Hội An, Đà Nẵng, đã tiếp cận sớm nhất với “văn minh” làm tóc, thông qua những người Pháp?
Câu hỏi này đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Do đó, các vị tiền bối của nghề tóc thuộc thế hệ nửa đầu thế kỷ XX vẫn không tìm được tiếng nói chung khi muốn xác định ai, ở khu vực nào, là người đầu tiên hành nghề làm tóc ở VN.
Cũng xin nói thêm, phải đến những thập niên 1920-1930, cùng với sự mở rộng của các đô thị, tầng lớp tiểu tư sản người Việt ra đời, văn minh phương Tây đổ bộ vào sinh hoạt hàng ngày như nghệ thuật, thời trang…, thì mới có hình ảnh cô tân thời răng trắng, áo dài, tóc bồng. Khi đó, khái niệm “thời trang” bao gồm nghệ thuật tóc như một hiện tượng xã hội, mới có mặt ở Hà Nội – Sài Gòn.
Nghề tóc có thể ra đời từ phong trao Duy Tân – Đông Kinh Nghĩa Thục?
Một trong những tiền đề cho sự ra đời văn hóa thị dân đầu thế kỷ XX, là phong trào Duy Tân năm 1905. Đây là cuộc vận động cải cách xã hội, “chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh” với tâm điểm là “đoạn tuyệt với các lạc hậu cũ”, hô hào đàn ông Vn “bỏ túi bó” và các tóc ngắn”. Vì vậy, dân chúng có lúc đã gọi những người tham gia phong trào là “Giặc Tông đơ” hoặc “Phong trào húi hè!” hoặc “Giặc đồng bào”. Phong trào “Cắt Búi Tó, Cắt tóc ngắn” khởi đi miền Trung, từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi ra Huế và được dân chúng khắp nơi hưởng ứng nhiệt liệt. Thanh niên, học sinh từng đoàn, từng nhóm, đứng trên mọi nẻo đường với chiếc kéo, chiếc tông đơ trên tay, ca vang bài “Húi hè!” với lời hát: “Húi hè, húi hè! Bỏ cái ngu này, bỏ cái dại này. Ngày nay ta cúp, ngày mai ta cạo, Húi hè!”.
Một gương mặt sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, chí sĩ Nguyễn Quyền(1886-1941), còn có bài thơ “Cắt tóc”: “Phen này cắt tóc đi tu/ Tụng kinh Độc Lập ở chùa Duy Tân…” Có thể thấy ở thời này, các dụng cụ của nghề tóc như kéo, tông đơ và nhu cầu xã hội đều đã có. Vậy chúng ta có thể khẳng định nghề tóc ở VN đã có ở thời này.
Ông tổ nghề tóc VN xuất hiện ở thời Hùng Vương?
Nhưng nhìn lại lịch sử văn minh Việt Nam, trước năm 1905, người Việt đã cắt tóc ngắn và trong xã hội đã phát triển nhiều ngành nghề thủ công. Theo Ủy ban Khoa Học Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB KHXH, 1971, tr.48, thì “người Việt thời Hùng Vương – thời dựng nước buổi đầu tiên, ai cũng xăm mình. Ai cũng búi tó hoặc cắt tóc ngắn (cũng có người bỏ xõa tóc hoặc tết đuôi sam)”. Có tóc ngắn, tức là có cắt tóc.
Tuy nhiên, đây là thời kỳ mà thiết chế Nhà nước cũng như tổ chức xã hội còn hết sức sơ khai. Cộng đồng dân cư là các bộ lạc từng bước sáp nhập với nhau. Đời sống kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cho hề có thương mại – dịch vụ, với tục nhuộm răng, ăn trầu và thờ cúng tổ tiên, ưa chuộng lễ hội, múa hát; trong khi, trình độ kỹ nghệ bấy giờ mới bước qua thời đại đồ đá và tiến tới văn minh đồng thau, với kỹ thuật đúc đồng. Các di chỉ để lại cho thấy mãi sau này mới có các dụng cụ nông nghiệp thô sơ và có nghề luyện sắt thực sự phát triển để cho ra các công cụ dành cho việc cắt tóc như dao, kéo.
Như vậy, người phụ trách cắt tóc cho các cư dân bộ lạc ở thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc không thể là “thợ”, và cắt tóc lúc đó cũng chưa phải là một “nghề”.
Ông tổ nghề tóc VN xuất hiện từ thời Lý?
Lịch sử Việt Nam sang trang với mô hình nhà nước phong kiến, nhưng phải đến triều Lý, người Việt mới đạt được những thành tựu rực rỡ trong đời sống kinh tế - văn hóa.
Theo “Lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam” của Lê Mạnh Phát, trước khi phật giáo truyền vào Trung Quốc, VN đã có một lịch sử phật giáo tương đối phát triển. Sách này cũng trích dẫn các tích về Phật tử đầu tiên là Chử Đồng Tử, thuộc thế kỷ 2-3 trước công nguyên và nhiều chứng cứ khác cho thấy Phật giáo đã du nhập vào nước ta vào thế kỷ thứ 2 BC. Tuy nhiên, từ thành Luy Lâu – trung tâm Phật giáo lớn thời Pháp thuộc, với các câu chuyện về Thạch phật Quang và Phật Mẫu Man Nương, cũng phải trải qua gần 1000 năm, đến triều Lý Thái Tổ (1010-1028), lịch sử Phật giáo mới không còn thuần túy là những huyền thoại hay truyền thuyết.
Trong thời kỳ Lý Thái Tổ, từ quan đến dân đều là Phật tử. Ai cũng dành một khoản thời gian trong cuộc đời để quy y học giáo lý nhà Phật. Lê Quát sống vào cuối đời Trần, nhận xét: “Từ trong kinh thành cho đến ngoài châu phủ, kể cả những nơi thôn cùng ngõ hẻm, không bảo mà người ta cứ theo, không hẹn mà người ta cứ tin, hễ nơi nào có nhà ở là ắt có chùa chiền … Dân chúng quá nửa nước là sư…”. Phật giáo thậm chí hòa làm một thành tín ngưỡng dân gian. Tục bán khoán cho con vào chùa là một ví dụ.
Theo quan niệm của người xưa, trẻ nhở từ khi mới sinh đến tuổi trưởng thành phải nhờ sự nuôi dưỡng, dạy dỗ chăm sóc của cha mẹ. Không những thế còn phải được sự che chở phù hộ, đồ trì của Phật, Thánh. Vì thế người xưa đã có tục bán khoán, tức là làm lễ để cầu xin Phật Thánh nhận trẻ nhỏ làm con (con bán) và giúp đỡ chúng đến tuổi trưởng thành. Cho tới nay tục bán khoán vẫn còn và nhiều người vẫn “bán” con vào chùa cho đến năm 13 tuổi, hết một giáp thì chuộc về (làm lễ “tháo khoán”), hoặc bán cho đến hết đời.
Dưới triều nhà Lý, kỹ thuật cũng để phát triển, đặc biệt là luyện kim, đúc thuyền chiến, súng thần công, các vũ khí bằng sắt. Ngoài ra, dệt, gốm và xây dựng cũng là những kỹ thuật truyền thống tiêu biểu (Nguồn : Tiến trình lịch sử Việt Nam – Nhà xuất bản Giáo dục – PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc Tr.100-105).
Như vậy, căn cứ trên việc phát triển kỹ thuật là nhu cầu xã hội, có thể nói vào thời nhà Lý, nghề cắt tóc đã ra đời(?) Và ông tổ nghề cắt tóc, người đầu tiên khởi xướng, đào tạo, truyền dạy nghề cắt tóc, rất có thể là một vị sư, đã bắt đầu từ việc “phát” cho Phật tử quy y, đến việc cắt tóc cho trẻ con trong các lễ bán khoán, với những kiểu tóc đã có từ thời xưa (theo Đào Duy Anh) như ba chỏm, trái đào, tóc cút?
Còn có thêm một luận chứng có thể giúp củng cố giả thuyết này, là: Sau nhà Lý đạo Phật tiếp tục được hoằng dương qua đời Trần – Lê. Học giả Lê Quý Đôn, trong sách “Kiến văn tiểu lục”: “Thời nhà Trần, người trong nước đều cạo đầu, cho nên trong “Sứ Giao Châu thi tập” của Trần Cương Trung nhà Nguyên chua rằng: “con trai đầu trọc, người nào có quan chức thì trùm đầu bằng khăn xanh, nhân dân đều như sư cả”. Tục cắt tóc này đến Hoàng Phúc nhà Minh mới cấm, này dân ở ở Kiên Lao và Trà Lũ huyện Giao Thủy (Nam Định ngày nay) vẫn còn giữ tục ấy. Đàn bà cắt tóc để lại ba tấc tết ở trên đỉnh đầu, buộc lấy đầu sợi tóc rồi búi chặt lại và cài bằng trâm, ở đằng sau gáy không có tóc, cũng không xoa dầu xoa sáp gì cả. Tôi nhận thấy, đấy là phong tục triều nhà Trần, đến bản triều ngày nay thì tục đội khăn xanh, mặc áo thâm, cắt tóc và xăm mình đã thay đổi rồi”.
Như Lê Quý Đôn cho biết, thời nhà Trần nhân dân ta đã gọt tóc hay ít nhất cũng là cắt tóc ngắn. Mà việc cắt tóc như một nhu cầu xã hội thì lại nãy sinh và phổ cập từ thời Lý; tức là, dưới triều Lý, cắt tóc đã chính thức trở thành một nghề và ông tổ nghề tóc đã xuất hiện cùng các kiểu tóc của người Việt, xem ra là có lý hơn cả.
Lời kết
Và như vậy thì nghề tóc ở VN đã có từ 1000 năm trước, song hành cùng những thăng trầm của dân tộc Việt.
Tuy nhiên, dù thế nào thì những lập luận trên cũng chỉ là quan điểm cá nhân, với những dẫn chứng lịch sử, văn hóa nói chung và những đặc thù của ngành tóc nói riêng. Vì vậy, người viết rất mong sẽ nhận được phản hồi ý kiến đóng góp về chủ đề này hoặc chỉ ra những sai sót hay dẫn chứng chưa chính xác, chưa đủ sức thuyết phục, nếu có, để có thể hoàn thiện hơn nữa “công cuộc” truy tầm thời điểm xuất hiện nghề tóc ở VN, và từ đó có thể tìm ra lý lịch nhân vật đã khai sinh ra nghề tóc Việt Nam.
Viết 1 ý kiến
Têncủa bạn:Ý kiến của bạn: Chú ý: Không hỗ trợ HTML !
Đánh giá: Tệ Tốt
Vui lòng nhập số vào ô bên dưới:
Reload
Chi tiết